TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 7505 : 2005
QUY PHẠM SỬ DỤNG KÍNH TRONG XÂY DỰNG – LỰA CHỌN VÀ LẮP ĐẶT
Code of practice for application of glass in building – Selection and installation
Lời nói đầu
TCVN 7505 : 2005 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn TCVN/TC 160 Thủy tinh trong xây dựng hoàn thiện trên cơ sở dự thảo của Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xét duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
QUY PHẠM SỬ DỤNG KÍNH TRONG XÂY DỰNG – LỰA CHỌN VÀ LẮP ĐẶT
Code of practice for application of glass in building – Selection and installation
- Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu cơ bản trong lựa chọn và lắp đặt kính theo chủng loại và chiều dày cho phép đối với một diện tích lớn nhất cho trước hoặc diện tích lớn nhất cho phép đối với chiều dày cho trước, trong các công trình nhà ở và công cộng, nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và công trình.
Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với kính tấm đơn có diện tích lớn hơn 15 m2 và khẩu độ lớn hơn 4 m.
- Tài liệu viện dẫn
TCVN 2737 : 1995 Tải trọng và tác động – Tiêu chuẩn thiết kế.
TCVN 4088 : 1995 Số liệu khí hậu dùng trong thiết kế.
TCVN 7526 : 2005 Kính xây dựng – Định nghĩa và phân loại.
- Thuật ngữ, định nghĩa
Các thuật ngữ sử dụng trong tiêu chuẩn này được định nghĩa như sau:
3.1
Cửa đi (door)
Tấm chắn có lắp kính mở được theo cách quay hoặc trượt, để tạo lối ra vào một công trình, hành lang, hoặc phòng, có thể có khung hoặc không có khung.
3.2
Cửa sổ kép (double windows)
Cửa sổ gồm hai lớp cửa kính, được lắp vào hai khung riêng, đặt trên cùng một khuôn cửa sổ.
3.3
Vật liệu liên kết kết cấu (structural sealant)
Lớp vật liệu đàn hồi, có khung hoặc có bệ đặt trên mặt sàn để gắn vững chắc các vách ngăn lên đó.
3.4
Giá đỡ vách ngăn (stall board)
Kết cấu dựng đứng, có khung hoặc có bệ đặt trên mặt sàn để gắn vững chắc các vách ngăn lên đó.
3.5
Kính tôi (tempered glass)
Kính tấm được xử lý nhiệt hoặc hóa học đặc biệt tạo ứng suất nén dư bề mặt và cạnh lớn hơn ứng suất nén dư của kính bán tôi.
CHÚ THÍCH:
1) Kính tôi không nhất thiết là kính tôi an toàn;
2) Quá trình xử lý nhiệt hoặc hóa học làm giảm đáng kể khả năng gãy nứt của kính dưới tác động của ngoại lực hoặc sự thay đổi nhiệt độ;
3) Sau khi được tôi, loại kính này không thể cắt, khoan, mài hay gia công lại. Việc phun cát, khắc kính hoặc các gia công bề mặt khác cần được tiến hành trước khi tôi.
3.6
Kính tôi an toàn (tempered safety glass)
Kính tôi mà khi vỡ sẽ tạo thành các mảnh nhỏ không có khả năng gây thương tích cho con người.
3.7
Kính bán tôi (heat-strengthened glass)
Kính được xử lý nhiệt đặc biệt nhờ đó ứng suất nén dư bề mặt và cạnh kính nằm giữa ứng suất nén dư của kính ủ thường và kính tôi.
3.8
Kính hai lớp (double glazing)
Hộp kính gồm hai lớp kính, ở giữa là không khí hoặc chân không, nhằm cách âm hoặc cách nhiệt hoặc cho cả cách âm và cách nhiệt (còn gọi là kính bảo ôn hoặc kính hộp cách nhiệt).
3.9
Kính dán nhiều lớp (laminated glass)
Sản phẩm là một tấm kính được dán với một hoặc nhiều tấm kính khác hoặc tấm nhựa bóng bằng một hoặc nhiều lớp xen giữa.
CHÚ THÍCH: Kính dán sẽ bị nứt hoặc vỡ dưới tác động đủ lớn, nhưng các mảnh kính có xu hướng dính lại trên lớp keo nhựa dẻo và không rơi ra ngoài.
3.10
Kính dán an toàn nhiều lớp (laminated safety glass)
Kính dán nhiều lớp có khả năng chịu lực và trong trường hợp bị vỡ, lớp xen giữa sẽ giữ các mảnh vỡ lại và hạn chế độ vỡ, đảm bảo độ bền còn lại và giảm gây thương tích.
3.11
Kính ủ thường (ordinary annealed glass)
Kính được làm nguội từ từ trong quá trình sản xuất ở giai đoạn ủ để giảm các ứng suất dư và sức căng xuất hiện trong quá trình làm nguội.
3.12
Kính cốt lưới thép an toàn (safety wired glass)
Kính có lưới thép đan được đặt ở giữa tấm kính trong quá trình sản xuất, nhằm hạn chế và giữ các mảnh vỡ, đảm bảo độ bền còn lại và giảm gây thương tích.
3.13
Kích thước (size)
Xem mô tả trên Hình 1.
3.13.1
Kích thước của tấm kính (glazing panel size)
Kích thước thực của tấm kính.
3.13.2
Kích thước nhìn thấy hoặc kích thước ánh sáng (sight size or daylight size)
Kích thước ô kính không kể khung, để lấy ánh sáng.
3.13.3
Kích thước rãnh xoi (tight size or rebate size)
Kích thước thực của lỗ mộng.
3.14
Khung (frame)
Kết cấu bằng gỗ, thép, hoặc các vật liệu khác có độ bền cao để tăng cường khả năng chịu lực theo chiều dài của toàn bộ các cạnh của tấm kính.
3.15
Khẩu độ (span)
Kích thước nhìn thấy giữa khung đỡ. Đối với các ô kính có khung đỡ ở cả bốn cạnh, kích thước đó tương ứng với kích thước nhìn thấy nhỏ hơn.
3.16
Nẹp (fin)
Một tấm chặn bên cạnh vị trí tấm kính.
3.17
Tỷ số cạnh (aspect ratio)
Tỷ số giữa cạnh dài và cạnh ngắn của kính.
3.18
Thanh chắn (chair rail)
Thanh gắn cố định hoặc một thanh đẩy cứng có tác dụng bảo vệ kính khỏi sự va đập của con người.
3.19 Vách ngăn nội thất (internal partition)
Vách ngăn bên trong công trình hoặc một phần của tường ngăn bên trong công trình nhưng không phải là cửa, vách hông, vách kính mặt tiền hay cửa trời.
3.20 Vách kính mặt tiền (shopfront)
Vách được lắp kính hoàn toàn hoặc lắp kính một phần, đặt tại vị trí lối đi trong các công trình công cộng, có thể có hoặc không có giá đỡ.
CHÚ THÍCH: Các vách kính mặt tiền bao gồm vách kính của cửa hàng, vách kính các khu vực công cộng nhưng không bao gồm vách kính mặt tiền của các tầng trên của công trình.
Hình 1 – Mô tả các kích thước và rãnh xoi
- Yêu cầu chung
4.1 Yêu cầu về vật liệu
4.1.1 Vật liệu kính
Kính được sử dụng trong các công trình xây dựng dân dụng bao gồm các loại kính được phân loại theo TCVN 7526 : 2005.
Chất lượng từng loại kính theo các tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng cho loại kính đó.
4.1.2 Phân loại kính an toàn
– Kính an toàn nhóm A: kính dán an toàn nhiều lớp và kính tôi an toàn;
– Kính an toàn nhóm B: kính cốt lưới thép.
4.1.3 Các vật liệu khác
Các loại vật liệu được sử dụng cùng với vật liệu kính trong quá trình lắp dựng bao gồm các vật liệu liên kết, bịt kín, keo dán, chất đệm, các khối định vị, sơn tráng v.v…
4.2 Yêu cầu về kích thước
4.2.1 Chiều dày tấm kính
Đối với chủng loại và diện tích của tấm kính cho trước, chiều dày của tấm kính không được nhỏ hơn chiều dày lớn nhất xác định trong các điều 5; 6 và 7 của tiêu chuẩn này.
CHÚ THÍCH: Phương pháp xác định chiều dày tấm kính được xác định theo Phụ lục A.
4.2.2 Chiều dày danh nghĩa tiêu chuẩn
Vật liệu kính được nêu trong tiêu chuẩn này là các loại kính có chiều dày danh nghĩa tiêu chuẩn. Chiều dày danh nghĩa tiêu chuẩn và dung sai chiều dày được quy định theo tiêu chuẩn sản phẩm tương ứng.
4.2.3 Chiều dày danh nghĩa phi tiêu chuẩn
Các loại kính có chiều dày danh nghĩa không được qui định trong tiêu chuẩn và các yêu cầu của tiêu chuẩn này cần phải được áp dụng bằng phương pháp nội suy thích hợp.
4.2.4 Diện tích tấm kính
Đối với chủng loại và chiều dày tấm kính cho trước, diện tích của tấm kính không được lớn hơn diện tích nhỏ nhất xác định trong các điều 5; 6 và 7 của tiêu chuẩn này.
4.3 Yêu cầu về khung lắp kính
4.3.1 Khung lắp kính
Khung phải chịu được tải trọng thiết kế thích hợp, đồng thời phải đảm bảo độ biến dạng theo chiều ứng suất của tải trọng thiết kế, không vượt quá giới hạn sau:
– (1/150) của khẩu độ đối với cửa sổ và cửa đi kiểu trượt cho nhà ở (không phân biệt chiều cao) và cho các công trình khác có chiều cao nhỏ hơn 10m;
– (1/240) của khẩu độ cho các cửa nhà ở có chiều cao lớn hơn 10 m.
4.3.2 Kính lắp trực tiếp trong kết cấu xây dựng
Kính được lắp trực tiếp lên cấu kiện xây dựng bằng các liên kết thích hợp cũng phải đảm bảo đạt yêu cầu về độ lệch cho phép qui định ở 4.3.1.
4.3.3 Khung hỗn hợp
Kính có khung đỡ suốt chiều dài cạnh nằm ngang của cạnh trên và dưới bằng một kiểu và dọc theo chiều thẳng đứng bằng kiểu khác, nhưng đảm bảo độ lệch cho phép qui định ở 5.3.1.
4.4 Yêu cầu thiết kế cho những trường hợp đặc biệt
4.4.1 Yêu cầu chung
Khi sử dụng kính trong những trường hợp đặc biệt không được nêu trong tiêu chuẩn này, nhà sản xuất cần được tư vấn về các số liệu thiết kế và ứng suất lớn nhất không được vượt quá giá trị đưa ra trong 4.4.2.
4.4.2 Ứng suất thiết kế
Đối với các loại kính ủ thường, ứng suất thiết kế được quy định trong Bảng 1.
Đối với các loại kính khác với kính ủ thường, ứng suất thiết kế được xác định bằng ứng suất được nêu trong Bảng 1 nhân với hệ số đưa ra trong Bảng 2.
Bảng 1 – Ứng suất thiết kế cho kính ủ thường
Tải trọng liên tục | Ứng suất thiết kế, MPa | |
Chiều dày danh nghĩa, mm | ||
≤ 6 | > 6 | |
Tải trọng gió | 16,7 | 15,2 |
Tải trọng tĩnh | 8,35 | 7,6 |
Bảng 2 – Hệ số chịu tải trọng gió đối với kính có chiều dày bằng nhau
Loại kính | Hệ số áp lực, F |
Kính ủ thường | 1,0 |
Kính phun cát | 0,4 |
Kính cốt lưới thép | 0,5 |
Kính dán 1) | 0,8 |
Kính vân hoa 2) | 1,0 |
Kính hai lớp 3) | 1,5 |
Kính bán tôi | 1,6 |
Kính tôi | 2,5 |
1) Nếu nhiệt độ làm việc tối đa của kính lớn hơn 70oC, hệ số áp lực gió sẽ giảm xuống 0,6.
2) Đối với kính vân hoa, chiều dày được đo tại điểm mỏng nhất; 3) Hai lớp kính phải có chiều dày danh nghĩa như nhau. Nếu chiều dày khác nhau nhà sản xuất phải đưa ra hướng dẫn. |
- Yêu cầu chịu tải trọng gió
5.1 Tổng quát
Điều này đưa ra quy trình xác định chiều dày nhỏ nhất với diện tích cho trước hoặc diện tích lớn nhất với chiều dày cho trước, cho các loại kính khác nhau phù hợp với các yêu cầu chịu tải trọng gió.
5.2 Áp lực gió thiết kế
Đối với các công trình cao tầng, tùy thuộc vào chủng loại, khẩu độ, diện tích, chiều dày của kính cần tính đến ảnh hưởng của áp lực gió, tải trọng tĩnh theo như quy định trong TCVN 4088 : 1995 và TCVN 2737 : 1995.
5.3 Kính ủ thường với chiều dày danh nghĩa tiêu chuẩn
5.3.1 Yêu cầu chung
Chiều dày danh nghĩa tiêu chuẩn của kính ủ thường khi khẩu độ hoặc diện tích cho trước, hoặc diện tích hoặc khẩu độ lớn nhất khi chiều dày danh nghĩa tiêu chuẩn cho trước, được xác định theo điều 5.3.2 và 5.3.3. Sau khi được lắp kính, khung kính phải đảm bảo không vượt quá giá trị độ lệch theo chiều của ứng suất cho phép của tải trọng gió thiết kế:
– (1/150) của khẩu độ đối với cửa sổ và cửa đi kiểu trượt cho nhà ở (không phân biệt chiều cao) và cho các công trình khác có chiều cao nhỏ hơn 10 m;
– (1/240) của khẩu độ cho các cửa nhà ở chiều cao lớn hơn 10 m.
5.3.2 Tấm kính hình chữ nhật có khung đỡ tất cả các cạnh
Với tấm kính hình chữ nhật có khung đỡ tất cả các cạnh, các kích thước nhận được từ biểu đồ Hình 2 với tỷ số cạnh bằng hoặc nhỏ hơn giá trị đã cho trên biểu đồ. Với tỷ số cạnh lớn hơn, áp dụng biểu đồ Hình 3, cạnh nhỏ hơn của hình chữ nhật được coi là khẩu độ.
5.3.3 Tấm kính hình chữ nhật có khung đỡ hai cạnh đối diện
Với tấm kính hình chữ nhật có khung đỡ hai cạnh đối diện, kích thước nhận được từ biểu đồ Hình 3. Đối với áp lực gió thiết kế lớn hơn 5 kPa, áp dụng phương trình đưa ra trong Phụ lục B và quy định trong điều 5.4.2.
Hình 2 – Biểu đồ kích thước của tấm kính ủ thường hình chữ nhật, chiều dày tiêu chuẩn với tỷ số cạnh nhỏ hơn hoặc bằng giá trị đã cho và có khung đỡ tất cả các cạnh
Hình 3 – Biểu đồ khẩu độ của tấm kính nổi ủ thường, hình chữ nhật, chiều dày tiêu chuẩn, chỉ có khung đỡ ở hai cạnh đối diện và của hình chữ nhật có tỷ số cạnh cao và có khung đỡ ở tất cả các cạnh
5.4 Kính ủ thường không thuộc nhóm có chiều dày danh nghĩa tiêu chuẩn
5.4.1 Tấm kính hình chữ nhật có khung đỡ bốn cạnh
Với tấm kính hình chữ nhật có chiều dày tối thiểu cho trước có khung đỡ bốn cạnh, tích số pA là một hằng số (K). Diện tích tối đa của tấm kính có chiều dày tối thiểu khác với biểu đồ Hình 2 được tính toán bằng cách xác định hệ số K, thông qua K1 từ phương trình (B.1) hay K2 từ phương trình (B.2) của Phụ lục B.
Giá trị diện tích tối đa (A) cho bất cứ giá trị áp lực gió thiết kế (p), được xác định theo phương trình sau:
A = K/p
trong đó:
A là diện tích của tấm kính, tính bằng m2;
K là hằng số chiều dày tấm kính;
p là áp lực gió thiết kế, tính bằng kPa.
CHÚ THÍCH:
– Đường thẳng tính toán cho chiều dày tối thiểu của một tấm kính có thể được dựng trên biểu đồ Hình 2 bằng cách kẻ một đường song song với đường thẳng đi qua điểm p = 1, A = K đối với kính có chiều dày danh nghĩa tiêu chuẩn (độ nghiêng = -1).
– Tỷ số cạnh lớn nhất với đường thẳng tính toán ở biểu đồ Hình 2 có thể được tính toán từ phương trình (B.6) của Phụ lục B đối với các tấm kính có chiều dày tối thiểu nhỏ hơn và bằng 6 mm, hoặc từ phương trình (B.9) đối với kính có chiều dày tối thiểu lớn hơn 6 mm.
5.4.2 Tấm kính hình chữ nhật chỉ có khung ở hai cạnh đối diện nhau
Với tấm kính hình chữ nhật có chiều dày tối thiểu cho trước chỉ có khung ở hai cạnh đối diện, tích số pb2 là một hằng số C. Khẩu độ tối đa đối với tấm kính có chiều dày tối thiểu khác với biểu đồ Hình 3 được tính toán bằng cách xác định C từ phương trình (B.3) của Phụ lục B.
Kích thước tối đa của khẩu độ đối với mọi giá trị áp lực gió thiết kế, được xác định theo phương trình sau:
b = (C/p)1/2
trong đó:
b là kích thước lớn nhất của khẩu độ, tính bằng m;
p là áp lực gió thiết kế, tính bằng kPa.
CHÚ THÍCH: Đường thẳng tính toán đối với một chiều dày tối thiểu của tấm kính có thể được dựng trên biểu đồ Hình 3 bằng cách kẻ một đường song song với đường tương ứng với chiều dày danh nghĩa tiêu chuẩn (độ nghiêng = -0,5), đi qua điểm p = 1, b = C1/2.
5.5 Các loại kính khác với kính ủ thường
5.5.1 Yêu cầu chung
Chiều dày yêu cầu đối với các chủng loại kính ngoài kính ủ thông thường được tính bằng cách sử dụng hệ số áp lực (F) trong Bảng 2 quy định trong 5.5.2 hay 5.5.3.
Ở những nơi mà mức độ an toàn không cho phép giảm, có thể sử dụng hệ số áp lực thích hợp hơn hệ số áp lực trong Bảng 2.
5.5.2 Các chiều dày danh nghĩa tiêu chuẩn
Diện tích hoặc khẩu độ lớn nhất đối với một chiều dày tối thiểu cho trước, hoặc chiều dày tối thiểu đối với một khẩu độ hay diện tích cho trước, của bất cứ chủng loại kính nào trong Bảng 2 được tính toán bằng cách chia áp lực gió thiết kế (p) cho hệ số áp lực (F) cho trước trong Bảng 2 và sử dụng áp lực điều chỉnh này trong phương pháp được quy định trong 5.3.
Khi áp lực gió thiết kế vượt quá 5kPa, áp dụng phương trình thích hợp trong Phụ lục B như đã qui định tại điều 5.4.1 hoặc 5.4.2.
Phụ lục C đưa ra các bảng và các biểu đồ ứng với các loại kính đã nêu trong Bảng 2. Các biểu đồ và bảng này đã được tính toán sẵn theo phương pháp đã nêu trên, do đó áp dụng biểu đồ và bảng này không cần phải viện dẫn theo biểu đồ Hình 2 hoặc biểu đồ Hình 3.
5.5.3 Các chiều dày phi tiêu chuẩn
Khẩu độ hay diện tích tối đa đối với chiều dày tối thiểu đã cho, hoặc chiều dày tối thiểu đối với một khẩu độ hay một diện tích đã cho bất cứ chủng loại kính nào theo Bảng 2 sẽ nhận được bằng cách chia áp lực gió thiết kế (p) cho hệ số áp lực (F) cho trước trong Bảng 2 và sử dụng áp lực điều chỉnh này trong phương pháp đã định 5.4.
- Yêu cầu về an toàn đối với tác động của con người
6.1 Tổng quát
Điều này đưa ra các yêu cầu đảm bảo an toàn cho con người tại những vị trí thường xuyên có tác động của con người với kính.
CHÚ THÍCH:
1) Việc đáp ứng các yêu cầu của điều 6 sẽ làm giảm nguy cơ gây thương tích cho con người khi va chạm với kính. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kính sẽ không bị vỡ trong mọi điều kiện tác động, mà chỉ là không bị vỡ trong các dạng tác động phổ biến nhất, hoặc khi vỡ, những việc xảy ra thương tích do các mảnh sắc, nhỏ của kính sẽ được hạn chế nhờ tính chất bảo vệ đặc biệt của kính, hay do kích thước hạn chế của kính, hoặc do các đặc tính khi vỡ của kính.
2) Việc đáp ứng các yêu cầu này đòi hỏi cửa và các tấm kính phải được xem xét là có khung hay không có khung theo 6.2.
3) Khi dùng kính trong suốt làm cửa đi hoặc các vách hông (ở hai bên cửa đi) hoặc khi lắp kính ở những vị trí mà có thể tưởng nhầm là cửa mở hay lối đi không bị cản trở, thì kính đó phải được ghi dấu hiệu hoặc dùng các biện pháp trang trí khác sao cho thể hiện được rõ ràng sự tồn tại của tấm kính đó. Tuy nhiên việc ghi dấu hiệu hay trang trí trên không thể thay thế cho việc kính được sử dụng phải là kính an toàn ở những vị trí cần thiết nêu trong điều này.
tcvn-7505-2005-quy-pham-su-dung-kinh-trong-xay-dung-lua-chon-va-lap-dat.pdf