TCVN 5641 : 2012 BỂ CHỨA BẰNG BÊ TÔNG CỐT THÉP – THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU


TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 5641 : 2012

BỂ CHỨA BẰNG BÊ TÔNG CỐT THÉP – THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU

Reinforced concrete tank – Codes for construction, check and acceptance

Lời nói đầu

TCVN 5641:2012 thay thế TCVN 5641:1991.

TCVN 5641:2012 do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

BỂ CHỨA BẰNG BÊ TÔNG CỐT THÉP – THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU

Reinforced concrete tank – Codes for construction, check and acceptance

1 Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng để thi công và nghiệm thu phần xây dựng bể chứa nước, chứa dầu và sản phẩm của dầu có dạng hình trụ, hình hộp hoặc các dạng khác bằng bê tông cốt thép đặt ngầm, đặt trên mặt đất hoặc đặt nửa nổi, nửa chìm (sau đây gọi tắt là bể chứa).

2 Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 2682:2009, Xi măng poóc lăng – Yêu cầu kỹ thuật.

TCVN 3994:1985, Chống ăn mòn trong xây dựng – Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép.

TCVN 4430:1987, Hàng rào công trường – Điều kiện kỹ thuật.

TCVN 4431:1987, Lan can an toàn – Điều kiện kỹ thuật.

TCVN 4447:1987, Công tác đất – Quy phạm thi công và nghiệm thu.

TCVN 4452:2011, Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép lắp ghép – Quy phạm thi công và nghiệm thu.

TCVN 4453:1995, Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối – Quy phạm thi công và nghiệm thu.

TCVN 4506:2012, Nước cho bê tông và vữa – Yêu cầu kỹ thuật.

TCVN 6067:2004, Xi măng poóc lăng bền sunfat – Yêu cầu kỹ thuật.

TCVN 6260:2009, Xi măng poóc lăng hỗn hợp – Yêu cầu kỹ thuật.

TCVN 7570:2006, Cốt liệu cho bê tông và vữa – Yêu cầu kỹ thuật.

TCVN 8873:2011, Xi măng nở.

TCVN 9361:2012, Thi công và nghiệm thu các công tác nền móng.

3 Nguyên tắc chung

3.1 Khi thi công bể chứa phải thực hiện theo đúng bản vẽ thi công, thiết kế tổ chức thi công và tuân theo các yêu cầu của tiêu chuẩn này, cũng như các tiêu chuẩn về lắp ráp thiết bị công nghệ và đường ống, an toàn lao động, kĩ thuật thi công xây dựng vệ sinh công nghiệp và bảo vệ môi trường…

3.2 Khi nghiệm thu công việc, nghiệm thu từng phần, nghiệm thu thử áp lực nước, thử độ kín khít, nghiệm thu đưa bể chứa vào sử dụng phải áp dụng đúng tiêu chuẩn này và các tiêu chuẩn liên quan hiện hành.

3.3 Cơ quan nhận thầu, cơ quan giao thầu, cơ quan thiết kế, theo chức năng của mình có trách nhiệm giám sát, kiểm tra chất lượng thi công ngay từ khi khởi công công trình đến khi hoàn thành đưa bể chứa vào sử dụng.

3.4 Cơ quan nhận thầu có trách nhiệm thực hiện việc quan trắc, đo độ lún, độ nghiêng lệch… từ đầu đến khi nghiệm thu công trình. Cơ quan sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện tiếp việc quan trắc trong thời hạn một năm kể từ khi nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình để đưa vào sử dụng.

4 Vật liệu

4.1 Khi xây dựng bể chứa, phải sử dụng các loại bê tông đặc biệt, có tính bền vững cao trong môi trường xâm thực của sản phẩm, đảm bảo yêu cầu không thấm nước, chống ăn mòn cốt thép và không bị ảnh hưởng của môi trường xâm thực.

Các số liệu của bê tông về cường độ, độ chống thấm nước, biện pháp chống ăn mòn bê tông và cốt thép, phải theo đúng yêu cầu của thiết kế.

4.2 Khi xây dựng các bể chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, phải dùng xi măng poóc lăng bền sunfat phù hợp với TCVN 6067:2004, cũng như xi măng poóc lăng có hàm lượng tricalci – aluminat không quá 8 % và tổng hàm lượng aluminat không quá 22 %.

Trong vùng đất hoặc nước ngầm có tính xâm thực thì xi măng chọn dùng để đổ bê tông phải theo quy định trong tiêu chuẩn TCVN 3994:1985.

Xi măng dùng cho bê tông làm liền các khớp nối giữa các cấu kiện của bể chứa là xi măng nở phù hợp với TCVN 8873:2011. Trong trường hợp không có loại xi măng này cho phép sử dụng loại xi măng đã nói ở trên.

4.3 Mác xi măng sử dụng không được thấp hơn mác PC30 (đối với xi măng poóc lăng) và PCB30 (đối với xi măng poóc lăng hỗn hợp) và phải theo các quy định trong tiêu chuẩn TCVN 2682:2009 và TCVN 6260:2009. Độ sệt tiêu chuẩn của vữa xi măng không được vượt quá 0,28. Nước dùng cho bê tông và bảo dưỡng bê tông phải đảm bảo yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN 4506:2012“.

4.4 Các cốt liệu lớn dùng cho bê tông phải tuân theo các yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN 7570:2006.

4.5 Cát dùng cho bê tông và vữa phun phải tuân theo tiêu chuẩn TCVN 7570:2006 và bảo đảm số lượng hạt mịn không được quá 2% trọng lượng, hạt sét không được quá 1 %.

4.6 Cát dùng cho bê tông và vữa phun phải đảm bảo mô đun cỡ hạt ít nhất là 2; cát dùng cho thi công phun vữa và phun cát bằng thủy lực, phải bảo đảm mô đun cỡ hạt ít nhất là 1 và cỡ hạt lớn nhất của hạt không được lớn hơn 2,5 mm.

4.7 Độ ẩm của cát dùng để phun vữa bằng sung phun xi măng không được quá 5 %.

4.8 Cốt thép phải đáp ứng các yêu cầu của thiết kế và tuân theo các quy định của các tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.

4.9 Đối với các cốt thép vòng, ứng lực trước của các bể chứa hình trụ tròn phải dùng sợi thép cường độ cao, có gờ, không có lớp phủ bằng đồng, với đường kính ít nhất là 5 mm.

4.10 Khi nối các đầu nút sợi thép cường độ cao phải sử dụng sợi thép và thép lò xo có đường kính từ 0,8 cm đến 1,2 cm.

4.11 Các kẹp dùng để giữ các đầu nút cốt thép phải làm bằng thép có số hiệu từ CT31 đến CT38.

5 Công tác đất

5.1 Khi thi công công tác đất và nền móng phải tuân theo đúng tiêu chuẩn TCVN 4447:1987 và TCVN 9361:2012.

CHÚ THÍCH: Trường hợp bể chứa nằm trong các điều kiện đặc biệt như đất no nước, đất lún sụt và đất trương nở … thì khi thiết kế tổ chức thi công phải có dự kiến các biện pháp thi công đất trong các điều kiện đó.

5.2 Không được phép phá hoại lớp đất đã được gia cố, ổn định của nền bể chứa.

5.3 Cao độ nền đất dưới đáy bể chứa không được có sai số so với thiết kế là dương 10 mm và âm 30 mm.

5.4 Phải lấp phủ bể chứa đồng đều, đúng kích thước từ mọi phía. Đồng thời không được tập trung đất lên mái bể chứa làm cho trọng lượng của đất vượt quá tải trọng đã chỉ dẫn trong thiết kế.

6 Công tác bê tông và bê tông cốt thép

6.1 Chỉ dẫn chung

6.1.1 Đối với các bộ phận kết cấu toàn khối của bể chứa phải tuân theo tiêu chuẩn TCVN 4453:1995.

6.1.2 Cấp phối bê tông dùng cho các bể chứa phải đảm bảo tỉ số nước xi măng không được vượt quá 0,45.

6.1.3 Đối với bể chứa dầu và sản phẩm của dầu, khi đổ bê tông các kết cấu tiếp xúc với sản phẩm dầu và phần hơi cháy của sản phẩm phải sử dụng hỗn hợp bê tông có dung dịch thủy tinh tỷ trọng là 1,2 với số lượng 3,5% trọng lượng xi măng và phải sử dụng xi măng poóc lăng bền sunphát.

6.14 Thời gian trộn hỗn hợp bê tông có chất phụ gia dung dịch thủy tinh không được nhỏ hơn các trị số cho ở Bảng 1.

Bảng 1 – Thời gian trộn hỗn hợp bê tông

Kiểu máy Dung tích thùng trộn (L) Thời gian trộn (min)
1. Độ rơi tự do Từ 250 đến 425 2,5
Từ 1 000 đến 1 200 3,0
2. Trộn cưỡng bức 500 2,0
1 000 2,5

6.2 Lớp đệm bê tông

6.2.1 Trước khi đổ bê tông lớp đệm các bể chứa hình trụ tròn phải đặt một cọc mốc trắc địa ở tâm bể.

6.2.2 Khi vận chuyển bê tông vào khu vực đặt bể chứa phải đảm bảo không ảnh hưởng đến độ chặt yêu cầu của nền.

6.2.3 Cao độ thực tế mặt trên lớp đệm không được có sai số với thiết kế là dương 5 mm và âm 20 mm.

6.3 Đổ bê tông đáy và móng tường

6.3.1 Đối với đáy bể chứa có kích thước lớn nhất ở mặt bằng không quá 20 m khi đổ bê tông phải tiến hành liên tục, không được để mạch ngừng thi công.

Đối với đáy bể chứa có kích thước lớn nhất ở mặt bằng lớn hơn 20 m phải đổ thành từng phần riêng biệt và để các mạch ngừng thi công; chỗ để mạch ngừng phải do thiết kế quy định.

CHÚ THÍCH: Cho phép để mạch ngừng thi công phụ khi bắt buộc phải để mạch ngừng thi công đối với các đáy bể chứa có kích thước lớn nhất ở mặt bằng không quá 20 m khi cần đổ bê tông tại mỗi phần riêng biệt.

6.3.2 Đổ bê tông đáy hoặc từng phần phải tiến hành theo các phân đoạn song song hoặc vòng tuyến. Bề rộng các phân đoạn phải xác định có tính toán để bê tông thuộc phân đoạn sau được đổ trùm lên phân đoạn trước, khi bê tông ở phân đoạn trước bắt đầu đông cứng.

6.3.3 Phải đặt các khuôn để tạo thành mạch ngừng thi công. Tháo dỡ ván khuôn được phép tiến hành trước khi xử lý phun cát bằng thủy lực các bề mặt mối nối.

6.3.4 Lớp bê tông ở đáy có bề dày dưới 12 cm phải dùng đầm bàn, đối với đáy có bề dày 12 cm và lớn hơn phải dùng đầm dùi.

Việc san và là phẳng bề mặt bê tông đáy, thông thường phải thực hiện bằng thước rung, di chuyển theo hướng có cao độ cố định trên mặt và được kiểm tra bằng máy thủy bình.

6.3.5 Cao độ thực tế mặt móng mà tại đó các panen tường sẽ đặt lên, không được có sai số so với cao độ thiết kế là dương 5 mm.

Cao độ thực tế tại mặt trên của đáy không được có sai số so với cao độ thiết kế quá dương 20 mm và âm 5 mm và cao độ mặt trên của các chi tiết đặt sẵn không được quá ± 5 mm.

7 Lắp các kết cấu bê tông cốt thép đúc sẵn

7.1 Lắp ghép các kết cấu bê tông cốt thép đúc sẵn của bể chứa phải tuân theo quy định trong tiêu chuẩn TCVN 4452:2011.

7.2 Sai số cho phép về kích thước các cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn của bể chứa cho trong Bảng 2.

Download toàn bộ tiêu chuẩn xây dựng TCVN 5641 : 2012 tại đây:

TCVN 5641 : 2012 BỂ CHỨA BẰNG BÊ TÔNG CỐT THÉP - THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU
TCVN 5641 : 2012 BỂ CHỨA BẰNG BÊ TÔNG CỐT THÉP - THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU
TCVN5641_2012-be-chua-bang-be-tong-cot-thep-thi-cong-va-nghiem-thu.pdf
258.9 KiB
639 Downloads
Chi tiết