TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 5307:2002
KHO DẦU MỎ VÀ SẢN PHẨM DẦU MỎ – YÊU CẦU THIẾT KẾ
Stock for petroleum and petroleum products – Specifications for design
Lời nói đầu
TCVN 5307:2002 thay thế TCVN 5307:1991.
TCVN 5307:2002 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC98/SC4 Cơ sở thiết kế các công trình xăng dầu – dầu khí hoàn thiện trên cơ sở dự thảo đề nghị của Công ty Tư vấn Xây dựng Dầu khí PETROLIMEX – Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam – Bộ Thương mại. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xét duyệt. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
KHO DẦU MỎ VÀ SẢN PHẨM DẦU MỎ – YÊU CẦU THIẾT KẾ
Stock for petroleum and petroleum products – Specifications for design
- Phạm vi áp dụng
1.1. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu cơ bản áp dụng cho thiết kế xây dựng mới, cải tạo và mở rộng các kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ ở dạng lỏng.
1.2. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng để thiết kế kho chứa chất lỏng dễ cháy và cháy có mức độ nguy hiểm về cháy nổ và cháy tương tự như tính chất của dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
1.3. Tiêu chuẩn này không áp dụng để thiết kế:
– kho khí hóa lỏng;
– kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ có nhiệt độ đông đặc bằng và lớn hơn 37,8oC;
– kho sản phẩm dầu mỏ tạm thời để phục vụ chiến đấu;
– các bể chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ thuộc thiết bị của dây chuyền công nghệ của các công trình khác.
- Tiêu chuẩn viễn dẫn
TCVN 2622:1995 Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình – Yêu cầu thiết kế.
TCVN 4090:1985 Đường ống chính dẫn dầu và sản phẩm dầu – Tiêu chuẩn thiết kế.
TCVN 5334:1991 Thiết bị điện kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ – Quy phạm kỹ thuật an toàn trong thiết kế và lắp đặt.
TCVN 6608:2000 (ASTM D 3828-93) Sản phẩm dầu mỏ – Phương pháp xác định điểm chớp cháy cốc kín có thang chia nhỏ.
- Thuật ngữ – Định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ sau:
3.1. Kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ (Stock for petroleum and petroleum products): là cơ sở dùng để tiếp nhận, bảo quản, pha chế, cấp phát dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ.
3.2. Vật liệu cháy, dễ cháy (Flammable and combustible materials): là vật liệu dưới tác động của lửa hay nhiệt độ cao thì bốc cháy, cháy âm ỉ hoặc bị cacbon hóa và tiếp tục cháy âm ỉ hoặc cacbon hóa sau khi đã cách ly nguồn cháy.
3.3. Vật liệu khó cháy (Hard – flammable materials): là vật liệu dưới tác động của lửa hay nhiệt độ thì bốc cháy, chảy âm ỉ hoặc cacbon hóa và tiếp tục cháy, cháy âm ỉ hoặc cacbon hóa khi có nguồn cháy. Nhưng sau khi cách ly khỏi nguồn cháy thì ngừng cháy hoặc ngừng cháy âm ỉ.
3.4. Vật liệu không cháy (Non flammable materials): là vật liệu dưới tác động của lửa hay nhiệt độ cao không bốc cháy, không cháy âm ỉ hoặc không bị cacbon hóa.
3.5. Giới hạn chịu lửa (Fire – resistance limit): là thời gian (tính bằng giờ hoặc bằng phút) các mẫu bắt đầu được thử chịu lửa theo tiêu chuẩn cho tới lúc xuất hiện một trong các trạng thái giới hạn của kết cấu và cấu kiện.
3.6. Bậc chịu lửa (Fire – resistance level): là đặc trưng chịu lửa theo tiêu chuẩn của nhà và công trình được xác định bằng giới hạn chịu lửa của các kết cấu xây dựng chính.
3.7. Nhiệt độ chớp cháy (Flash point): là nhiệt độ thấp nhất mà ở nhiệt độ đó hỗn hợp không khí và hơ dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ trên bề mặt chất lỏng trong điều kiện tiêu chuẩn chớp cháy trong thời gian ngắn nhất [phương pháp thử theo TCVN 6608:2000 (ASTM D 3828)].
3.8. Hệ thống chữa cháy (Fire – fighting system): là tổng hợp các thiết bị kỹ thuật hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh chuyên dùng để dập tắt đám cháy.
3.9. Chất chữa cháy (Fighting materials): là chất tự nhiên hoặc các hợp chất có tác dụng làm ngưng cháy và dập tắt cháy (bao gồm: chất tạo bọt hòa không khí, nước, bột hóa học, khí trơ v.v….).
3.10. Bọt chữa cháy (Fire – fighting foam): là chất chữa cháy dạng bọt được tạo ra từ chất lỏng bằng cơ học hoặc bằng hóa học.
3.11. Xe chữa cháy (Fire – fighting vehicle): là phương tiện mang các thiết bị chữa cháy chuyên dùng để sử dụng ở nơi có cháy hoặc ở trường hợp khẩn cứu khác.
3.12. Hệ thống chữa cháy cố định (Fixed fire – fighting system): là sự tổng hợp các thiết bị kỹ thuật chuyên dùng, đường ống và chất chữa cháy dùng để dập tắt đám cháy được lắp đặt cố định.
3.13. Hệ thống chữa cháy bán cố định (Semifixed fire – fighting system): là sự tổng hợp các thiết bị kỹ thuật chuyên dùng, đường ống và chất chữa cháy dùng để dập tắt đám cháy mà một phần được lắp đặt cố định, phần còn lại khi chữa cháy mới lắp nối hoàn chỉnh.
3.14. Cường độ phun dung dịch chất tạo bọt (Power of ejecting foam solution): là lượng dung dịch chất tạo bọt phun vào đám cháy trong một đơn vị thời gian trên một đơn vị diện tích (l/s/m2).
3.15. Bọt chữa cháy có bội số nở thấp (Foam with a low multiple of expanse): là bọt khi có sự tác động của thiết bị kỹ thuật thì có độ nở nhỏ hơn hoặc bằng 20 lần so với thể tích ban đầu của dung dịch chất tạo bọt.
3.16. Bọt chữa cháy có bội số nở trung bình (Foam with medium multiple of expanse): là bọt khi có sự tác động của thiết bị kỹ thuật thì có độ nở lớn hơn 20 đến 200 lần so với thể tích ban đầu của dung dịch chất tạo bọt.
3.17. Phễu bay (Flying funnel): là khoảng không gian giới hạn các vật cản phía đầu và phía cuối đường cất cánh, hạ cánh để đảm bảo an toàn cho máy bay.
3.18. Mái nổi (Floating roof): là cấu trúc có nhiều dạng khác nhau, được chế tạo bằng vật liệu kim loại, vật liệu tổng hợp hoặc phối hợp cả hai loại vật liệu trên và có bộ phận phao làm nổi trên bề mặt dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ để chống bay hơi.
3.19. Bể mái cố định (Fixed roofing tank): là bể hình trụ đứng mà đỉnh bể phú kín bằng tấm kim loại và có thiết bị thông hơi trên mái.
3.20. Bể mái nổi bên trong (Internal float roofing tank): là bể mái cố định có mái nổi bên trong.
3.21. Bể mái nổi (Float roofing tank): là bể hình trụ đứng không có mái cố định mà có mái nổi trên bề mặt của dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ.
3.22. Gờ chắn bọt (Edge stopped foam): là cấu trúc bằng thép được gắn trên phao để giữ bọt chữa cháy tại khu vực đệm kín giữa phao và thành bể chứa.
3.23. Van thở (Breath valve): là thiết bị để khống chế áp lực dư và độ chân không trong bể để chống tổn thất do bay hơi trong quá trình vận hành.
3.24. Thông hơi khẩn cấp (Emergency ventilation): là sự thoát hơi trong bể khi bị cháy mà thông hơi thông thường không thoát kịp để tránh vỡ thành bể.
3.25. Tấm đo mức (level device): là chi tiết bằng kim loại được gắn cố định lên thành bể (hoặc đáy bể) để đo lường sản phẩm trong bể chứa.
- Quy định cung
4.1. Các nhà xưởng sản xuất, nhà kho, và các hạng mục phụ trợ khác của kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ phải được thiết kế phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành.
4.2. Căn cứ vào nhiệt độ chớp cháy, dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ được chia thành ba loại:
– loại 1: gồm các loại dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ có nhiệt độ chớp cháy nhỏ hơn 28oC;
– loại 2: gồm các loại dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ có nhiệt độ chớp cháy từ 28oC đến 61oC;
– loại 3: gồm các loại dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ có nhiệt độ chớp cháy lớn hơn 61oC.
4.3. Kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ được chia thành hai nhóm:
– nhóm I: gồm các kho kinh doanh, kho dự trữ quốc gia, kho của nhà máy chế biến dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ;
– nhóm II: gồm các kho của cơ sở sản xuất (công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, v.v….).
Chú thích:
1) Kho nhóm II có dung tích lớn hơn dung tích nêu ở điều 6.1 của tiêu chuẩn này phải thiết kế theo kho nhóm I.
2) Kho cung ứng, dự trữ quốc gia có dung tích nhỏ hơn 1000 m3 đối với sản phẩm loại 1 và nhỏ hơn 5000 m đối với sản phẩm loại 2, loại 3 cho phép thiết kế theo tiêu chuẩn kho nhóm II. Nếu chứa cả hai loại sản phẩm thì tính chuyển đổi 1 m3 sản phẩm loại 1 bằng 5 m3 sản phẩm loại 2, loại 3.
4.4. Bể chứa, nhà kho và các hạng mục để tồn chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ có thể thiết kế nổi, ngầm và được quy định như sau:
– Ngầm khi bể chứa hoặc nền nhà kho đặt chìm dưới mặt đất và có mức dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ cao nhất trong bể hoặc toàn bộ dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ chứa trong phuy bị vỡ tràn ra nhà kho vẫn thấp hơn 0,2 m so với cao trình thiết kế thấp nhất xung quanh đó (giới hạn trong phạm vi 3 m tính từ thành bể hoặc tường bao).
Được phép coi như là bể ngầm khi:
+ Bể đặt nổi có đắp đất trên mái với chiều dày lớp đất nhỏ nhất là 0,3 m và phía ngoài thành để đắp đất có chiều dày theo phương vuông góc đến thành bể bằng hoặc lớn hơn 3 m.
+ Bể đặt nổi có tường bao bằng gạch, đá hoặc bê tông có mép ngoài tường cách thành bể bằng hoặc lớn hơn 0,3 m và mặt trên phủ bằng vật liệu gạch, đá hoặc bê tông có chiều dày nhỏ nhất là 0,3 m.
– Nổi: khi không thỏa mãn các quy định đối với bể ngầm và nhà kho ngầm.
Chú thích:
1) Chiều dày đất đắp, tường bao đối với bể ngầm được xác định theo tính toán áp lực thủy tĩnh của chất lỏng chảy tràn.
2) Khoảng trống giữa tường bao và bể chứa phải chèn chặt bằng cát hoặc bằng đất.
4.5. Tùy thuộc vào mức độ bốc hơi, dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ có thể được chứa trong bể mái cố định, bể mái nổi và bể mái nổi bên trong. Đối với dầu thô và các loại sản phẩm loại 1 nên chứa trong bể mái nổi hoặc bể mái nổi bên trong.
4.6. Vật liệu, cấu kiện xây dựng của nhà và công trình trong kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ (loại trừ bể chứa) phải có giới hạn chịu lửa tương ứng với bậc của nhà và công trình và không được nhỏ hơn bậc II được quy định trong TCVN 2622:1995.
4.7. Thiết kế kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ phải phù hợp với các tiêu chuẩn và qui định về phòng cháy và chống cháy, về an toàn chống sét, chống tĩnh điện cho nhà và công trình, các tiêu chuẩn và quy định về bảo vệ môi trường, các qui định về đo lường.
4.8. Bảo vệ chống ăn mòn đường ống trong kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ có thể áp dụng các quy định trong tiêu chuẩn thiết kế đường ống dẫn chính TCVN 4090:1985. Chống ăn mòn cho bể chứa có thể được dự kiến trước như tăng chiều dày hoặc sơn phủ bề mặt kết cấu bể.
4.9. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm cháy nổ, nguy hiểm cháy và tính chất hoạt động công nghệ, các hạng mục kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ được chia thành 5 hạng sản xuất theo bảng 1.
TCVN5307_2002-kho-dau-mo-va-san-pham-dau-mo.pdf