Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình có hiệu lực kể từ ngày 16/01/2023 và thay thế QCVN06:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BXD, ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

I. Một số điểm sửa đổi, bổ sung chính:
Một số nội dung chính trong QCVN06:2022/BXD được sửa đổi, bổ sung so với QCVN06:2021/BXD bao gồm:
- Bổ sung phạm vi điều chỉnh bao gồm khoang cháy nằm trong nhà;
- Xác định bậc chịu lửa của nhà, khoang cháy; giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà, đặc biệt là nhà sản xuất;
- Giới hạn chịu lửa của tường ngoài;
- Thay đổi nội dung trong phụ lục F – Giới hạn chịu lửa danh định của một số cấu kiện;
- Thay đổi nội dung Chương 5 Cấp nước chữa cháy;
- Thay đổi một số nội dung về lối thoát nạn, đường thoát nạn, cầu thang thoát nạn.
- Bổ sung quy định cho phép sử dụng cầu thang bộ loại 2 để thoát nạn tại các nhà nghỉ dưỡng quy mô nhỏ;
- Điều chỉnh các yêu cầu về lối thoát nạn, bảo vệ chống khói, quy định về vật liệu hoàn thiện cho đối tượng karaoke, vũ trường, nhà hát…
II. Ảnh hưởng của các cập nhật, thay đổi QCVN06:2022/BXD đến công trình, dự án xây dựng từ năm 2023:
Quy chuẩn này quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng (khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng sau đây gọi chung là nhà); Phân loại kỹ thuật về cháy cho vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng, các phần và bộ phận của nhà, và nhà.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các nhà và công trình sau:
– Nhà ở: chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30 % tổng diện tích sàn;
– Các nhà công cộng có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm (trừ các công trình trực tiếp sử dụng làm nơi thờ cúng, tín ngưỡng; các công trình di tích); các loại sân thể thao ngoài trời có khán đài (sân vận động, sân tập luyện, thi đấu thể thao và tương tự);
– Các nhà sản xuất, nhà kho có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;
– Các nhà cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;
– Các nhà phục vụ giao thông vận tải có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 3 tầng hầm;
– Các nhà phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (trừ nhà ươm, nhà kính trồng cây và tương tự).
Đối với các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F1.3, F4.2, F4.3 và nhà hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 150 m hoặc có từ 4 tầng hầm trở lên, các nhà có các đặc điểm riêng về phòng chống cháy khác với các nhóm nhà trong Bảng 6, thì ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này còn phải bổ sung các yêu cầu kỹ thuật và các giải pháp về tổ chức, về kỹ thuật công trình phù hợp với các đặc điểm riêng về phòng chống cháy của các nhà đó, trên cơ sở các tài liệu chuẩn được áp dụng.
Quy chuẩn này áp dụng khi xây dựng mới các nhà và công trình nêu tại 1.1.2, hoặc trong phạm vi những thay đổi sau: Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi công năng của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà; Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi các giải pháp thoát nạn của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà; Cải tạo, sửa chữa làm tăng tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng, hoặc làm giảm giới hạn chịu lửa của kết cấu, cấu kiện; Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của gian phòng, khoang cháy và nhà theo hướng tăng tính nguy hiểm cháy; Cải tạo, sửa chữa làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với gian phòng, khoang cháy và nhà; Cải tạo, sửa chữa hệ thống bảo vệ chống cháy của gian phòng, khoang cháy và nhà; Các trường hợp cải tạo, sửa chữa khác theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát PCCC và CNCH) có thẩm quyền.
Với những thông tin cập nhật mới về QCVN06:2022/BXD này, mong rằng bạn sẽ có những kiến thức nhất định để cân nhắc lựa chọn giải pháp & chuẩn bị xin phép PCCC cho công trình của mình.